DV SẢN-PHỤ KHOA-HIẾM MUỘN
Dịch vụ đẻ không đau

Dịch vụ đẻ không đau

Vượt cạn an toàn – không còn sợ đau

Mọi người vẫn hay nói “không gì đau bằng đau đẻ”. Khoảng 70% sản phụ sẽ cảm thấy các cơn đau dữ dội hoặc đau không thể chịu nổi khi chuyển dạ sinh con. Do khả năng chịu đau, độ nhạy cảm của từng người là khác nhau. Đôi khi cơn đau dữ dội gây ra tâm lý lo lắng, sợ hãi ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi, làm tăng kết cục mổ lấy thai.

Với sự tiến bộ của y học, giờ đây phương pháp đẻ không đau sẽ là lựa chọn phù hợp và hiệu quả đồng hành cùng hành trình vượt cạn của các mẹ bầu, để giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi do cơn đau đẻ mang lại.

 

Đẻ không đau là gì

Phương pháp đẻ không đau là phương pháp gây tê ngoài màng cứng áp dụng cho giảm đau do co thắt tử cung trong chuyển dạ.

Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng. Ống thông này sau đó được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Thuốc gây tê sẽ được truyền liên tục qua ống thông này để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ.

Lợi ích của giảm đau trong đẻ:

 


- Gây tê ngoài màng cứng có lộ trình giảm đau hiệu quả xuyên suốt cuộc chuyển dạ.
- Bác sĩ gây tê có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau thông qua điều chỉnh linh hoạt loại thuốc,liều lượng và cường độ của thuốc. Thông qua đó bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai nhi và cho mẹ.
- Vì hiệu quả của thuốc chỉ khu trú ở một vùng, sản phụ sẽ tỉnh táo và ý thức được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình.
- Đủ giảm đau khi có chỉ định can thiệp khác (VD: lấy thai bằng forcep, cắt tầng sinh môn, kiểm soát tử cung sau khi sổ rau, khâu tầng sinh môn…
- Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng chính ống truyền ngoài màng cứng có sẵn để làm gây tê khi mổ và làm giảm đau sau mổ.

 

Quy trình đẻ không đau

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung của sản phụ mở trên 3 cm, nhưng cũng có thể được thực hiện sớm hơn nếu sản phụ cảm thấy đau nhiều hoặc trong một số trường hợp bệnh lý của người mẹ.

Sản phụ sẽ được bác sĩ sản khoa tư vấn phương pháp đẻ không đau nếu phù hợp với chỉ định và sản phụ có nhu cầu.

Bác sĩ Gây mê hồi sức thăm khám trước khi thực hiện kỹ thuật.

Sản phụ được hướng dẫn ngồi hoặc nằm nghiêng một bên. Bác sĩ Gây mê hồi sức thực hiện kỹ thuật tìm khoang ngoài màng cứng (giữa 2 đốt sống).

Vùng lưng của sản phụ được sát trùng một cách cẩn thận và thực hiện gây tê tại chỗ với một cây kim rất nhỏ, nhằm làm cho bớt đau khi đâm kim tê ngoài màng cứng.

Khi đã xác định được khoang ngoài màng cứng, bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ đặt ống thông vào đó. Ống thông này sẽ được cố định dọc theo lưng.

Thuốc tê sẽ được bơm qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, cơn đau sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 phút.

Tiêm một liều thuốc tê qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng chỉ giảm đau trong khoảng 45 – 70 phút. Để duy trì tiếp tục giảm đau cho đến khi sanh xong, có thể truyền thuốc tê liên tục bằng một bơm tiêm tự động.

Giảm đau trong chuyển dạ bằng gây tê ngoài màng cứng có thể linh hoạt, phù hợp suốt quá trình chuyển dạ. Với những sản phụ đã được làm “đẻ không đau”, nếu có chỉ định mổ lấy thai, họ sẽ được tiêm thuốc tê với liều lượng, nồng độ lớn hơn để mổ. Tác dụng của gây tê ngoài màng cứng sẽ mất đi sau đó 1 – 3 giờ (tùy liều thuốc) và sản phụ có thể về phòng nghỉ sau đó.

 

Chi phí đẻ không đau tại Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau

Tại Bệnh viện ngoài những chi phí khác theo quy định, khi đăng ký dịch vụ đẻ không đau các sản phụ chỉ phải trả thêm 1.900.000 đồng cho dịch vụ này

 

Đẻ không đau có hại gì không?

Đối với sản phụ: Tiêm thuốc đẻ không đau có hại không?

Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi gây tê ngoài màng cứng đó là sản phụ có thể cảm thấy một chút khó chịu tạm thời do giảm huyết áp, đôi khi có thể lạnh run, ngứa, tê chân, hai chân hơi nặng hoặc khó khăn khi nhấc chân lên. Sản phụ có thể cảm thấy khó khăn một chút khi tiểu và có thể phải đặt ống thông tiểu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ điều trị có thể giảm thiểu những nhược điểm này hoặc thậm chí loại bỏ chúng hoàn toàn.

Đau lưng chính là điều lo lắng nhất của sản phụ cũng như người thân khi họ tìm hiểu về phương pháp đẻ không đau bằng gây tê ngoài màng cứng. Về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp đẻ không đau khi sinh vẫn gặp chứng đau lưng. Đau lưng có thể do những nguyên nhân sau: biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh... Nếu đau do gây tê ngoài màng cứng tại vị trí tiêm, cơn đau sẽ tự hết trong 48 giờ.

Đối với em bé sơ sinh - phương pháp đẻ không đau có hại không?

Thuốc tê sử dụng để gây tê ngoài màng cứng không gây độc cho bé bé sơ sinh

Thuốc tê sử dụng để gây tê ngoài màng cứng hoàn toàn không gây nguy hiểm gì cho bé. Gây tê ngoài màng cứng chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé bé sơ sinh. Huyết áp của mẹ trong quá trình gây tê phải được giữ ổn định và theo dõi thường xuyên, nếu cần có thể được điều chỉnh bằng thuốc sao cho an toàn với bé.

Gây tê ngoài màng cứng có làm thay đổi quá trình chuyển dạ, nguy cơ sanh giúp hay nguy cơ mổ lấy thai hay không?

Gây tê ngoài màng cứng có thể làm kéo dài thời gian chuyển dạ hơn bình thường một ít và tăng nhẹ nguy cơ sanh giúp nhưng nó không làm tăng nguy cơ mổ lấy thai.

Khi nào thì không làm được “đẻ không đau”?

Gây tê ngoài màng cứng không thực hiện ở các trường hợp sốt cao, có nhiễm trùng tại vị trí tiêm ở lưng (mụn mủ, nhiễm trùng da, …) và nhất là những trường hợp bị rối loạn đông máu.

Gây tê ngoài màng cứng không nên thực hiện ở sản phụ có bệnh lý về thần kinh, bệnh lý cột sống, trường hợp đang chảy máu hoặc trong trường hợp cấp cứu.

Sản phụ bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống không phải là chống chỉ định tuyệt đối.

Tác giả: Bs Nhân Lê
Theo Phòng KHTH
Tin liên quan