DV SẢN-PHỤ KHOA-HIẾM MUỘN
Thẩm mỹ tầng sinh môn – Giữ lửa yêu thương

Thẩm mỹ tầng sinh môn – Giữ lửa yêu thương

Trong suốt quá trình sanh con qua ngã âm đạo (sanh thường), âm đạo và tầng sinh môn chịu sự chèn ép của thai nhi, phải giãn nở rộng hơn, giảm khả năng đàn hồi. Và trong lúc sanh thì để em bé ra được dễ dàng, các bác sỹ thường cắt rộng tầng sinh môn. Khi khâu lại vết cắt thường không đẹp như khâu thẩm mỹ và không thu hẹp được âm đạo đã giãn. Ngoài ra ảnh hưởng của tuổi tác cũng làm giảm sự đàn hồi của các mô mềm vùng kín.

Điều này đôi khi làm giảm cảm giác khi quan hệ, không kiểm soát được co thắt sẽ làm mất khoái cảm cho cả hai bên, các quý ông thường có cảm giác hụt hẫng, chuyện phòng the không được như ý. Vì vậy nhu cầu tân trang “cô bé” là rất thiết thực.

Tại Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau đã triển khai dịch vụ thẩm mỹ tầng sinh môn để khôi phục lại kích thước âm đạo như trước khi sanh nở. Chỉ mất khoảng 30 phút cho cuộc tiểu phẫu, với thuốc tê các chị em sẽ không thấy cảm giác đau, nhưng tìm lại được sự tự tin trong phòng ngủ như thuở ban đầu. Nhiều người xem đây là cứu cánh, bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình.

Trong trường hợp vào viện sanh thường hay sanh mổ (mổ lấy thai) nếu có nhu cầu về dịch vụ thẩm mỹ tầng sinh môn, quý chị em nên đăng ký ngay với nhân viên ý tế để được tư vấn đầy đủ.

Ngoài thời điểm ngay sau sinh thì các chị em có thể yêu cầu thực hiện dịch vụ này sau khoảng 3-5 ngày đã sạch kinh nguyệt. Không nên thẩm mỹ tầng sinh môn trước chu kỳ kinh vì dễ làm vết mổ bị nhiễm trùng nếu ngày kinh xuất hiện khi vết thương chưa kịp lành. Tuy thẩm mỹ tầng sinh môn không làm ảnh hưởng đến đến viêc thụ thai và sinh con sau này, nhưng các chị em nên chú ý khi quyết định thẩm mỹ tầng sinh môn, bạn nên chắc chắn rằng sẽ không mang thai lần nữa, vì nếu đẻ lần sau sẽ lại phải cắt và khâu lại như trường hợp con so

Lợi ích của thẩm mỹ tầng sinh môn:

  • Cải thiện thẩm mỹ ở tầng sinh môn: “cô bé” gọn gàng hơn
  • Tầng sinh môn không bị giãn
  • Âm đạo được thu nhỏ lại
  • Tăng khoái cảm tình dục
  • Cải thiện tình trạng sẹo sau khi khâu tầng sinh môn
  • Nâng cao chức năng sinh lý cho nữ giới
  • Hạn chế vi khuẩn tấn công
  • Cải thiện độ đàn hồi, da lão hóa tăng dịch
  • Phục hồi sinh lý cơ vòng toàn diện ở nữ giới

Trường hợp nào nên thẩm mỹ tầng sinh môn:

  • Âm đạo rộng do mang thai và đẻ nhiều lần, liên tiếp.
  • Âm đạo rộng bẩm sinh ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng
  • Sai lệch cấu trúc do phục hồi sau chửa đẻ, phẫu thuật vùng tầng sinh môn, sa tử cung.
  • Tổn thương âm đạo do chấn thương, tai nạn…
  • Muốn cải thiện đời sống vợ chồng

Trường hợp nào không nên thẩm mỹ tầng sinh môn:

  • Phụ nữ mang thai
  • Đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Bị nhiễm khuẩn, nấm bộ phận sinh dục
  • Mắc các bệnh mãn tính: lao, đái tháo đường, bệnh tim mạch ...
  • Bất thường về tâm lý.

Những lưu ý khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh

Sau khi sinh, vết khâu ở tầng sinh môn cũng giống như những vết khâu khác trên cơ thể khi bị thương. Nếu không chăm sóc đúng cách sẽ khiến các vết khâu càng lâu lành, thậm chí còn có thể dẫn tới đứt chỉ (bục vết may), nhiễm trùng, không lành sẹo, co cơ… Chính vì vậy, khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn tại nhà sau sinh, chị em cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Chăm sóc:

Trong 3 ngày đầu, dùng dung dịch Povidone thấm ướt bông gòn, bôi nhẹ lên vết thương mỗi ngày một lần. Băng vệ sinh nên thay ít nhất mỗi 4 giờ và quan sát xem sản dịch có ra nhiều không, màu gì, có hôi không? Nếu có mùi hôi, sản dịch đã bị nhiễm trùng.

Để chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh đúng cách tốt nhất là không tự ý sử dụng các loại thuốc, kem giảm đau theo mách bảo, kinh nhiệm dân gian vì có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Mỗi lần đi vệ sinh, dùng nước ấm (có thể dùng vòi sen), xối nhẹ lên vết thương từ trên xuống. Sau đó, dùng khăn bông mềm chậm nhẹ lại cho khô vết thương. Bạn có thể vừa tiểu tiện vừa xối nước bằng vòi hoa sen để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu. Riêng việc đại tiện có thể trì hoãn được vài ngày sau sinh nên không đáng ngại lắm.

Hàng ngày nên kiểm tra vết khâu tầng sinh môn có bị sưng đỏ không, có bị chặt cứng và tiết dịch không. Nếu bị nhiễm trùng nên kịp thời đến bệnh viện để bác sĩ xử lý và sớm rút chỉ khâu.

Đi lại nhẹ nhàng: Lúc đầu, việc đi lại có thể khó khăn và đau đớn nhưng điều này sẽ làm tăng lưu thông máu, giảm khả năng vết khâu tầng sinh môn bị sưng và giúp vết thương mau lành.

Dinh dưỡng: Ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh táo bón. Tình trạng táo bón khiến bạn phải rặn mạnh có thể làm tổn thương vết khâu chưa lành.

Kiêng quan hệ: Tốt nhất nên kiêng quan hệ vợ chồng cho tới khi vết may lành hẳn, không còn đau để tránh nguy cơ nhiễm trùng, rò âm đạo – hậu môn, mất tự chủ trong tiểu tiện…

Tác giả: Bs Nhân Lê
Theo Phòng KHTH
Tin liên quan